Chơi nhạc hay nghe nhạc - liệu pháp giúp điều trị các chứng bệnh thần kinh và tâm lý như bệnh tự kỷ, alzheimer, thiểu năng trí tuệ... Dựa trên âm nhạc và âm thanh, liệu pháp này có thể áp dụng cho người lớn lẫn trẻ em. Nhà tâm lý trị liệu Wagner, người Pháp, từng phát biểu: “Âm nhạc bắt đầu ở nơi mà khả năng của những lời nói chấm dứt”. Thực tế, âm nhạc là một phương cách biểu lộ và trao đổi vốn có thể giúp đỡ những người ít có tính cởi mở. Nó có một tác động tích cực chống stress và làm giảm thiểu tâm trạng âu lo.
Nhịp điệu và rung động
Kèm hoặc không kèm theo những rung động cơ thể (bàn tay, bàn chân, thân mình…), những nhạc cụ và âm thanh được sử dụng như những phương tiện biểu lộ. Nhờ vào đó, các bệnh nhân biểu lộ các cảm xúc và tình cảm của họ thay vì phát biểu qua lời nói. Một bệnh nhân bộc phát cơn tức giận của mình bằng cách gõ dữ dội vào một cái trống. Một bệnh nhân khác giải tỏa nỗi buồn phiền bằng cách gảy nhẹ nhàng những sợi dây đàn guitar cùng với những lời than thầm thì mà mỗi giai điệu không cần thiết phải có ý nghĩa. Không nên lầm lẫn âm nhạc liệu pháp với hoạt động âm nhạc vốn mục đích nhắm đến tính nghệ thuật hơn là trị bệnh.
Liệu pháp âm nhạc bổ sung những phương pháp trị bệnh cổ truyền, nhắm đến cải thiện sức khỏe của bệnh nhân trên các bình diện tâm lý, thể lý và cảm xúc, cùng lúc giúp bệnh nhân kiểm soát và chịu đựng những triệu chứng xúc cảm của họ.
Âm nhạc liệu pháp chủ động
Âm nhạc liệu pháp chủ động được áp dụng chủ yếu đối với các bệnh nhân có những khó khăn hoặc mất khả năng tự biểu lộ. Họ tìm được qua đây một phương thế biểu lộ các cảm xúc của họ và dần dà cải thiện tính giao du cùng lúc ít bị căng thẳng, lo âu.
Âm nhạc liệu pháp thụ động
Liệu pháp này khêu gợi một bản nhạc, kích thích phát sinh những xúc cảm nơi bệnh nhân để được khuyến khích biểu lộ. Ở căn bệnh alzheimer, ký ức âm nhạc được bảo tồn lâu hơn ký ức lời nói. Việc điều trị nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống bằng cách làm sống lại các ký ức. Nhà tâm lý học người Pháp – Nathalie Laeng chuyên chữa trị bằng liệu pháp âm nhạc cho các người già, giải thích: “Chúng tôi đề nghị các bệnh nhân nghe những bản nhạc dân ca, những bài ca đánh dấu sự hiện hữu của họ. Sau khi nghe một bản nhạc cổ điển mà họ từng nghe những năm trước đây, bệnh nhân trở nên linh hoạt, muốn nghe đi nghe lại va ngay cả có thể gợi lại những ký ức cá nhân nổi bật liên hệ đến bản nhạc này”.
Bằng cách tìm lại những yếu tố chủ thể đang bị đánh mất, bệnh nhân khám phá được mối liên hệ với những ký ức của mình, trở nên phấn chấn và giao du tốt hơn với những người khác. Đối với trạng thái lo âu, trầm cảm, âm nhạc liệu pháp thụ động có hiệu quả tức khắc, giúp bệnh nhân giảm nhẹ và chịu đựng tốt hơn các triệu chứng.
Chữa bệnh tâm thần bằng âm nhạc
Trong căn phòng nhỏ thoáng mát, bản Symphony No 3 cất lên dìu dặt, tiếng TS Nguyễn Văn Thọ chầm chậm hướng dẫn bệnh nhân tâm thần Lê Viết Tuấn (Quảng Điền – Thừa Thiên Huế): “Anh hãy ngồi thật yên tĩnh, để cơ bắp hoàn toàn thả lỏng… Hãy tin rằng anh đang cảm thấy thoải mái, dễ chịu và xung quanh không có gì khiến anh bị xáo trộn. Hãy xua đuổi mọi ý nghĩ ra khỏi đầu óc của anh… Và bây giờ những âm thanh của bản nhạc sẽ đến với anh…”.
Đó là một buổi trị liệu cho bệnh nhân tâm thần bằng phương pháp âm nhạc của TS Nguyễn Văn Thọ – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 tại TP Biên Hoà (Đồng Nai). Ông là người đầu tiên ứng dụng phương pháp hình tượng có hướng dẫn và âm nhạc để trị liệu cho các bệnh nhân tâm thần.
TS Nguyễn Văn Thọ là người trực tiếp tìm hiểu phương pháp của Helen Bonny: Hình tượng hướng dẫn và âm nhạc (Guided Image and Music – GIM). GIM là sự tiếp cận sâu sắc tới liệu pháp tâm lý âm nhạc trong đó âm nhạc cổ điển được chương trình hoá một cách chuyên biệt, sử dụng để tạo ra sự bộc lộ động lực những trải nghiệm bên trong, cho phép hiện ra tất cả các khía cạnh trải nghiệm của con người: Về tâm lý học, cảm xúc, cơ thể, xã hội, tinh thần và tập hợp vô thức.
“Nhạc để trị liệu cho bệnh nhân tâm thần phải là nhạc cổ điển, được biên soạn và lựa chọn. Có khoảng 30 chương trình âm nhạc được sử dụng trong GIM. Mỗi chương trình dài khoảng 40 phút, bao gồm từ 2-5 các đoạn hoặc bản nhạc cổ điển được tuyển chọn. Diễn biến âm nhạc được thiết kế sao cho nó bắt đầu bằng một bản nhạc khởi đầu kích thích hình tượng. Tiếp đến là bản nhạc làm sâu hơn trải nghiệm cảm xúc và bản kết thúc sẽ đưa thân chủ quay lại trạng thái bình thường”, Tiến sĩ Thọ cho biết.
Theo phân tích của TS Thọ, khi lựa chọn chương trình âm nhạc cho một thân chủ (cách gọi bệnh nhân tâm thần khi trị liệu bằng GIM) cần có ý thức về sự sâu sắc của âm nhạc. Một số bản nhạc của những tác giả theo trường phái ấn tượng như Debussy, Ravel và Delius có tính chất khêu gợi một cách nhẹ nhàng những hình ảnh tự nhiên. Có những chương trình âm nhạc lại được thiết kế để khêu gợi cảm xúc nhiều hơn, có một khoảng rộng về động lực, cường độ. Nhạc có thể đưa lại những tình trạng cảm xúc đặc biệt, nhằm làm giảm sự cáu giận và đau buồn.
Tốt cho bệnh nhân trầm cảm
Điều đặc biệt của phương pháp này là bệnh nhân được hướng dẫn thư giãn, nghe nhạc; trong thời gian đó các bác sĩ chữa trị ngồi phía sau quan sát mọi phản ứng, cử chỉ của bệnh nhân. Bệnh nhân Lê Viết Tuấn (47 tuổi) mắc bệnh tâm thần phân liệt đã 10 năm nay, lần đầu tiên được áp dụng phương pháp này đã nhảy dựng ra khỏi ghế; sau 4 lần trị liệu anh đã “tỉnh”, nhớ được nhiều chuyện về gia đình trong quá khứ và bắt đầu muốn nói chuyện với mọi người xung quanh. Mỗi lần nghe nhạc xong là Tuấn muốn vẽ trở lại (Lê Viết Tuấn trước đây là họa sĩ – PV).
Khi kết thúc mỗi giai đoạn, bác sĩ lại hỏi bệnh nhân về những biểu hiện, phản ứng và cảm xúc. TS Nguyễn Văn Thọ giải thích: “Phản ứng của bệnh nhân giúp chúng tôi hiểu đời sống tiềm thức, những mâu thuẫn tâm lý của họ. Bệnh nhân tâm thần có cái siêu tôi, phát bệnh do dồn nén xung đột, tâm lý bị ức chế. Đối với những bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm, rối loạn tâm lý đơn thuần thì sẽ có hiệu quả rõ rệt. Thông qua những tiềm thức mà bệnh nhân tự bày tỏ khi nghe nhạc, người trị liệu có thể tìm ra nguyên nhân về tâm lý để từ đó có hướng điều trị đúng cách”.
Theo TS Nguyễn Văn Thọ, tất cả các bệnh nhân tâm thần đều có thể áp dụng phương pháp chữa trị bằng âm nhạc này, nhưng hiệu quả nhất vẫn là những người phát bệnh do căn nguyên tâm lý (do ám ảnh, lo âu, trầm cảm…).
Từ tháng 3/2008 đến nay, bệnh viện đã điều trị cho 57 bệnh nhân, trong đó có 3 bệnh nhân đã khỏi hẳn và trở lại cuộc sống bình thường.
Tác dụng chữa bệnh của âm nhạc Mozart
Các bác sĩ tại Viện thần kinh London (Anh) trong một lần chữa trị cho bệnh nhân mắc bệnh động kinh đã tình cờ phát hiện ra rằng nghe nhạc Mozart 45 phút mỗi ngày có thể giúp bệnh nhân nhanh chóng bình phục. Sau quá trình điều trị, kết quả kiểm tra não của bệnh nhân này đã cho thấy có sự thay đổi đáng kể về số lượng các tế bào não, tăng khả năng học tập, chỉ số IQ, những tổn thương về thần kinh được hạn chế và thị lực cũng có những dấu hiệu được cải thiện một cách đáng kể.
Giải thích về hiện tượng này, các nhà khoa học cho biết: trong não người và động vật nói chung có một vùng não rất nhạy cảm với âm nhạc, chúng có nhiệm vụ tiếp nhận các âm sắc từ những bản nhạc mà con người nghe được.
Khi tiếp xúc với những bản nhạc có âm sắc phù hợp, phần não này trở nên hoạt động tích cực hơn, kéo theo sự hồi phục của các khu vực chức năng khác trong não. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng khẳng định: nhạc Mozart là loại nhạc mang tính tư duy cao, có sự pha trộn và tổ chức tiết tấu phức tạp đạt đến trình độ cao. Do đó, khi nghe loại nhạc này, người nghe như được “đánh thức” một số chức năng não. Não của họ như được truyền những luồng sóng kích thích mạnh, giống như sóng điện não và chính điều đó giúp cho não hoạt động hiệu quả.
Các nhà khoa học và các chuyên gia phân tích âm nhạc đã phát hiện ra rằng: trong kỹ thuật “thiết kế” âm thanh độc đáo chỉ có ở thiên tài Mozart, thường xuyên có sự xuất hiện những đoạn nhạc lặp lại với tần số cao hơn nhiều so với các tác phẩm âm nhạc của nhiều nhà soạn nhạc nổi tiếng khác như: Beethoven, Bach, Wagner hay Chopin….
Sau một đợt điều trị thử nghiệm bằng nhạc Mozart, các bác sĩ thuộc bệnh viện tổng hợp Mexico đã cho biết: Trong số 9 bệnh nhân mắc chứng động kinh được áp dụng phương pháp kích thích sóng não bằng nhạc Mozart, thì có 4 bệnh nhân có dấu hiệu chuyển biến bệnh đạt mức 95%, 4 bệnh nhân đạt mức phục hồi 50% đến 70%.
Một số tác động của nhạc Mozart đối với con người:
– Kích thích trí thông minh:
Sau một cuộc kiểm tra IQ được tiến hành tại Mỹ, các nhà khoa học nước này đã cho biết: nhóm học sinh được thư giãn bằng bản piano sonata K488 của Mozart có kết quả trắc nghiệm IQ trung bình cao hơn nhóm khác từ 9 đến 10 điểm. Tốc độ hoạt động não và nhiều hoạt động khác của trẻ được nghe nhạc Mozart trở nên nhanh nhạy hơn, năng động hơn bình thường.
- Tăng cường chức năng thị giác:
Kết quả một cuộc thử nghiệm mới của các nhà khoa học về tác động của bản piano sonata K448 đối với 60 bệnh nhân tại Trường đại học Y dược Sao Paolo đã hé mở những khả năng về việc vùng não kiểm soát chức năng thị giác của con người được tăng cường tốc độ phân tích, và xử lý hình ảnh với độ chính xác cao.
Những người tham gia cuộc thử nghiệm đã được “thưởng thức” những bản sonata soạn cho 2 piano của Mozart tại một phòng kín trong 10 phút. Sau đó, họ bắt đầu các cuộc kiểm tra sự phối hợp chức năng của thị lực và não bộ. Quá trình xử lý thông tin diễn ra rất nhanh và chính xác ở vùng não chức năng.
– Giúp ổn định nhịp tim, giảm stress và phục hồi thần kinh:
Nghe nhạc Mozart có thể khiến cho nhịp tim con người trở nên ổn định hơn. Nghiên cứu khoảng 23 trường hợp thanh niên tình nguyện tham gia nghiên cứu, các bác sĩ thuộc Bệnh viện Oberwalliser – Thụy Điển đã khẳng định: việc nghe nhạc rất ích lợi đối với bệnh tim.
Trong nghiên cứu này, ngoài nhạc Mozart, các bác sĩ còn phát hiện thêm các bản nhạc của nhà soạn nhạc danh tiếng Bach cũng có những tác động ổn định nhịp tim tương tự.
Trẻ sơ sinh được nghe nhạc Mozart cũng giúp giảm được đáng kể nguy cơ mắc các vấn đề về thần kinh sau khi sinh.
Trong quá trình nghe nhạc, một thiết bị camera đã ghi lại toàn bộ những hoạt động và biểu hiện của trẻ sơ sinh và đã công nhận âm nhạc Mozart đã có những ảnh hưởng tuyệt vời đến trạng thái tinh thần của trẻ.
Âm nhạc có thể giúp tim khỏe
Các chuyên gia tim mạch của Đại học Maryland (Mỹ) tuyển 10 tình nguyện viên (cả nam và nữ) để tìm hiểu tác dụng của âm nhạc đối với tim. Những người này có sức khỏe tốt và không hút thuốc lá. Nhóm nghiên cứu yêu cầu tình nguyện viên nghe những bản nhạc ưa thích trong nửa giờ. Sau đó họ được nghe bản rock chát chúa – thứ mà họ rất sợ – trong 30 phút tiếp theo. Trong lúc tình nguyện viên nghe nhạc, các nhà khoa học dùng sóng siêu âm để theo dõi hoạt động của các mạch máu.
Nếu tính theo mức trung bình, đường kính mạch máu của các tình nguyện viên tăng thêm 26% khi họ nghe bản nhạc yêu thích. Trong lúc nghe nhạc rock, mạch máu của họ giảm 6%.
“Mức độ giãn nở của các mạch máu là rất lớn. Tác dụng tương tự chỉ xảy ra khi chúng ta cười hoặc dùng một số loại thuốc trợ tim như statin”, tiến sĩ tim mạch Michael Miller, trưởng nhóm nghiên cứu, phát biểu.
Khi thành mạch nở rộng, máu chảy dễ dàng hơn và giảm được nguy cơ tạo cục máu (nguyên nhân gây nên đau tim và đột quỵ). Hoạt động co giãn của mạch máu cũng ngăn chặn được nguy cơ xơ cứng thành mạch.
“Mặc dù tác động của âm nhạc đối với tim đã rõ ràng, chúng tôi vẫn cho rằng chúng ta không nên ngừng sử dụng statin hay chấm dứt tập luyện thể thao. Thay vào đó, chúng ta nên coi âm nhạc như một biện pháp hỗ trợ trong nỗ lực nâng cao sức khỏe của tim”, Miller nói.
Bài liên quan:
Tag: Tác dụng của âm nhạc, lợi ích từ học đàn, học piano, tại sao nên học piano, nên cho con học gì, học piano để đánh thức tiềm năng, học piano chữa bệnh gì, nên học piano ở trung tâm hay ở nhà, nên tự học piano hay không, dạy học piano hà đông hà nội