Tiếng đàn của cậu bé tự kỷ đa tài

       >> Mr.Bean học piano
       >> Chia sẻ hạnh phúc qua tiếng đàn


Hôm nay (2/4), là Ngày thế giới nhận thức chứng tự kỷ. Trong suốt cuối tháng 3, tại 93 Tràng Tiền đã diễn ra triển lãm Góc nhìn cuộc sống của trẻ tự kỷ, với các bức ảnh của trẻ tự kỷ, do CLB Gia đình trẻ tự kỷ Hà Nội và Hội khuyết tật thành phố thực hiện.
Clip Trung Hiếu chơi đàn:
Tại triển lãm, bên cạnh các bức ảnh, những lá thư xúc động của các bậc phụ huynh, khán giả còn được thưởng thức tiếng đàn của cậu bé Nguyễn Trung Hiếu. Những âm thanh ngọt ngào vang lên khiến khan phòng im lặng. Nếu là một người vô tình đi ngang, sẽ không ai biết được rằng, đó là tiếng đàn của một cậu bé tự kỷ. Em là cậu bé chậm phát triển trí tuệ, lên 5 tuổi mẹ vẫn xúc cơm cho ăn, học từng chữ một cách khó khăn và khi kích động thì đâm đầu vào tường.
Nguyễn Trung Hiếu tại triển lãm Góc nhìn cuộc sống của trẻ tự kỷ.
Thế nhưng, với sự kiên trì của mẹ, với những năm tháng học ở trường Albert Einstein, cậu bé Nguyễn Trung Hiếu đã có sự nhận thức phát triển vượt bậc. Em học đàn, chơi đàn, em vẽ tranh, em viết nhật ký, và em chụp ảnh.
Nhật ký của Hiếu
Trong số những bức ảnh trưng bày tại triển lãm, ảnh của Hiếu chiếm tỷ lệ khá nhiều, với nội dung phong phú. Nếu như thế giới trong mắt các bạn tự kỷ khác là mẹ, là góc sân trước nhà, là các em búp bê thân thuộc… thì cuộc sống trong tâm hồn Hiếu phong phú hơn. Em không chỉ chụp đầy đủ một hình ảnh mà thể hiện chúng rất sinh động.
Cuộc sống qua ống kính của Hiếu.
Chị Nguyễn Mai Anh, mẹ của Hiếu cho biết: "Năm ngoái chị đã cho cháu nghỉ học. Một phần vì học phí cao quá, một phần Hiếu có nhiều năng khiếu về âm nhạc, hội họa nên chị cũng tập trung cho cháu theo học ở lĩnh vực này”.
Tuy nhiên, một trong những lý do khiến chị Mai Anh cũng như nhiều bậc phụ huynh có trẻ tự kỷ khác đang rất đó là môi trường học: “Hiện nay cũng đã có một số trường tư thục, với đầy đủ cơ sở vật chất cho các cháu, tuy nhiên, học phí lên tới khoảng 5 triệu/tháng, con số này quá lớn so với nhiều gia đình. Trong khi đó, những trung tâm, trường học có mức học phí thấp thì cơ sở vật chất lại không đảm bảo cho các cháu. Chẳng hạn như có trung tâm lớp 20 học sinh nhưng chỉ có 2 cô giáo, cơ sở vật chất thì quá thiếu thốn, như vậy thì không đảm bảo cho việc học của cháu. Mà nếu cho vào học trường bình thường thì các bậc phụ huynh không hề yên tâm. Vì con mình nếu tính tuổi thì tương đương học sinh lớp 7, nhưng cháu sẽ không theo học được trình độ đó, mà xuống thấp hơn thì sẽ bị các bạn đối xử phân biệt”.
Thế là giờ đây chị Mai tự chăm sóc Hiếu theo phương pháp của mình. Chị cho cậu bé đi học đàn, học vẽ, tham gia các hoạt động xã hội, thường xuyên đưa Hiếu đi chơi cùng các anh chị họ hàng. Dù không đến trường nhưng em vẫn phát triển được tài năng của mình.
Trong khi đó, tới thời điểm này, dù nhiều nước trên thế giới đã có nhiều quốc gia xếp tự kỷ vào một dạng khuyết tật, với các chế độ, chính sách về y tế, giáo dục để hỗ trợ các em thì tại Việt Nam điều này vẫn còn là bài toán nan giải đối với các gia đình có trẻ tự kỷ.
“Hiện tại thì các cháu không có một khoản hỗ trợ nào. Cũng như không có một mô hình phát triển nào hay trường học nào phù hợp, tôi cũng như các bậc phụ huynh khác đành hỗ trợ nhau, đồng thời tự tìm hiểu các phương pháp để giúp cháu phát triển” - chị Mai Anh chia sẻ.
Nguyễn Trung Hiếu (thứ 3 từ trái qua) cùng các bạn có ảnh tham gia triển lãm.
Trong ngày hôm qua và hôm nay, tại trường THCS Giảng Võ (Hà Nội) đã diễn ra Ngày Hội Xanh dành cho trẻ em tự kỷ  Đêm nhạc Xanh - Light it up blue - Cùng thắp lên ánh sáng màu xanh lơ vì trẻ em tự kỷ. Chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ tại Việt Nam cùng các gia đình có trẻ tự kỷ. Đây là một trong những hoạt động chính của chuỗi chương trình hành động để trẻ tự kỷ được hòa nhập vào cộng đồng, và cũng là lời kêu gọi nhà nước, các bộ ngành đưa ra chính sách hợp lý để hỗ trợ sự phát triển của các em.
THỦY NGUYÊN
Theo Infonet.vn

Post a Comment

Please Select Embedded Mode To Show The Comment System.*

Previous Post Next Post