Nhạc cổ điển – sẽ ba chìm sau bảy nổi?

SGTT.VN - Một năm với liên tiếp các chương trình giao hưởng hè phố, giao hưởng hướng đến đại chúng, nhạc cổ điển có vẻ “được mùa”, có vẻ đã tìm được hướng tiếp cận công chúng thủ đô. Nhưng nếu đó chỉ là hiện tượng bề nổi? 

Giao hưởng tấp nập ra phố
NSND Quang Thọ trình diễn trong chương trình Luala concert. Ảnh do ban tổ chức cung cấp. Ảnh:
Ngay từ đầu năm, chương trình giao hưởng đặt mục tiêu phổ cập nhạc cổ điển của nghệ sĩ piano Trang Trịnh đã khiến người ta giật mình với một trailer khác lạ, mang nhiều ngụ ý: nữ nghệ sĩ mải mê chơi dương cầm ngay trên phố. Dòng người vụt qua hờ hững. Nhưng, có một cô bé đã dừng lại, mê mải lắng nghe. Không ai ngờ, giấc mơ của Trang Trịnh, giấc mơ chung của những người yêu nhạc cổ điển sớm trở thành hiện thực bằng hàng chục chương trình giao hưởng hè phố liên tục diễn ra trong suốt một năm qua, và kéo dài đến hiện tại.
Luala concert dù chọn một không gian biểu diễn không mấy phù hợp cho một dàn nhạc dây, cũng không hẳn thuận tiện cho khán giả, vẫn có được lượng công chúng hết sức đầy đặn qua mười tuần đầu tiên. Nét độc đáo của tour giao hưởng hè phố này là thu hút khá đông các nghệ sĩ nổi tiếng hoạt động ở những lĩnh vực ngoài âm nhạc, thậm chí, chẳng hề dính dáng đến nhạc cổ điển. Sự lôi cuốn và độ khuếch trương của Luala concert cũng nhờ thế càng lên cao. Diễn ra âm thầm hơn là chương trình Tôi yêu sự chia sẻ của học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Dù không quảng cáo rầm rộ, cũng không có sự xuất hiện của những gương mặt “hút khách”, nhưng đội ngũ nghệ sĩ – sinh viên trẻ măng vẫn khiến một góc vườn hoa Lý Thái Tổ rộn rã mỗi sáng chủ nhật. Lượng khán giả tăng dần qua 12 buổi diễn, bất kể cái rét của mùa đông hay mưa phùn của tiết xuân Hà Nội. Điều thú vị là gần đây, chương trình giao hưởng hè phố này còn được một số công ty du lịch đưa vào tour dành riêng cho khách du lịch quốc tế, như một trong những điểm đến đặc biệt.
Mới đây, khi Luala concert có tên trong bảng đề cử giải Cống hiến 2011 vốn chỉ mặn mà nhạc nhẹ, không ít người đã vội đưa ra những dự cảm lạc quan cho nhạc cổ điển Việt Nam, một thể loại hàn lâm bị đóng khung trong những khán phòng hoặc sang trọng, hoặc chuyên biệt, và chưa bao giờ có đông khán giả.
Bề nổi hay chiều sâu?
Mới đây, học viện Âm nhạc quốc gia đã trao đổi với bộ Giáo dục và đào tạo về một chương trình phổ biến – nâng cao thẩm mỹ âm nhạc cho sinh viên – một thế hệ công chúng giàu tiềm năng, sẽ thực hiện liên tục trong nhiều năm, và ở nhiều thành phố. Nếu được duyệt và triển khai thì đây sẽ là dự án phổ biến âm nhạc đầu tiên không còn dừng lại ở những trào lưu bề nổi.
Rất tiếc, những ai đang náo nức với “trang mới” của nhạc cổ điển Việt Nam sẽ phải đón nhận một tin kém vui. Tôi yêu sự chia sẻ nhiều khả năng chỉ kéo dài đến hết năm 2012, theo đúng hợp đồng với nhà tài trợ. Luala concert cũng có thể đồng cảnh ngộ, dù trong buổi họp báo ra mắt chương trình, ban tổ chức đã loại trừ lý do kinh phí. Tức là, hai chương trình đáng được xem như dấu mốc của nhạc cổ điển Việt Nam có nguy cơ phải khép lại trong nuối tiếc, như khá nhiều những chương trình phổ biến âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc cổ điển trước đó. Điều đáng nói là nếu như thế thì dư âm của mười, hay hai mươi mấy buổi diễn giao hưởng hè phố liệu có thể kéo dài được bao lâu, và lan toả được bao xa?
Nhìn sang nhạc jazz, một thể loại cũng kén công chúng ở Việt Nam. Trước đây, không ai ngờ jazz có thể bán được vé, và có thể vào được nhà hát Lớn, nhưng, sau nhiều năm bền bỉ, nghệ sĩ Quyền Văn Minh và các đồng nghiệp của ông đã làm được. Đương nhiên, họ thành công không phải nhờ một ý tưởng ngẫu hứng, một kế hoạch ngắn hạn, những hoạt động manh mún, hay những mạnh thường quân đôi khi xem trọng yếu tố thương mại hơn nghệ thuật. Jazz đã làm được, nhạc cổ điển tại sao không?
Hương Lan (trích http://www.sgtt.com.vn)

Post a Comment

Please Select Embedded Mode To Show The Comment System.*

Previous Post Next Post