Nhạc Thiền


Lê Tấn Tài
         ...Một chút âm thanh, sắc màu thiên nhiên sẽ giúp giảm bớt áp lực căng thẳng sau những giờ làm việc. Và không cần phải tìm đâu xa, tiếng ầm vang của thác nước, tiếng róc rách mưa rơi, tiếng rì rầm sóng biển... sẽ đi thẳng vào tâm hồn của con người. Ðó là điều mà nhạc thiền muốn đem lại cho mọi người. Bởi thế, nhạc thiền giản dị, huyền bí, ngân nga, thánh thót. Nhạc như từ một miền xa xôi huyền hoặc đến thật gần gũi và yên bình, như tâm hồn của một kẻ tha phương lạc bước đã tìm được lối về. Người ta nhận thức được cái thế giới hiện nay mà họ đang sống quá ồn ào, chật hẹp, đầy áp lực... Nhạc thiền đem lại thư giãn, để con người đừng cuốn trôi theo những lo toan, để không bị nhận chìm hoặc đánh mất mình trong những mối bận tâm lo nghĩ đó. Hãy để tâm tư mình thật thanh thản, khi tâm hồn tĩnh lặng sẽ là lúc trái tim cởi mở.
         Bản chất của thiền hay zen là vắng lặng, đơn thuần, thanh khiết. Lý do đơn giản là con người cần tìm thấy sự yên tĩnh đó ở trong bản thân mình... Từ hư vô đến hiện hữu cuộc đời. Và từ hiện hữu trở về với hư vô. Ðó là một lộ trình quen thuộc của cuộc sống mà ai cũng phải trải qua. Zen vẫn được coi là một triết thuyết mang nhiều tính hiện sinh nhất. Bắt đầu bằng chữ sát-na, một đơn vị thời gian cực nhỏ. Phải biết sống hết mình trong mỗi sát-na của thực tại...Ðó là thiền đích thực. Nếu tâm được tĩnh lặng thì con người sẽ nhìn thế giới khác đi, nhìn cuộc sống khác đi.
         Theo truyền thuyết, Kyochiku - một thầy tế lễ - người sáng lập môn phái thiền Myoan đã mê đi trong khi thực hành thổi sáo trong ngôi đền ở Ise. Ông mơ thấy mình đơn độc trên một chiếc thuyền giữa biển đầy mù sương và nghe một âm thanh lạ từ trên trời. Khi sương tan dần, ông lại nghe một âm thanh kỳ diệu khác. Tỉnh dậy, ông lập tức thể hiện những âm thanh bí ẩn đó vào trong các dụng cụ bằng tre, và tạo ra ba khúc nhạc: "Koku" (trống trời), "Kyorei" (chuông trống), và "Mukaiji" (biển sương). Ðó là "Ba tấu khúc xưa" rất đặc trưng và mẫu mực cho nhạc thiền "Koku" - một điệu nhạc thanh thản và trầm lặng, được chơi với một nhạc cụ có độ trầm nhất. Dòng nhạc này coi như thể hiện được quan niệm Hư Vô của Phật giáo. Từ các thế kỷ trước các thầy tế lễ Phật giáo của Nhật Bản đã nhận thức được mối tương quan mật thiết giữa âm nhạc và con người và đã sáng tạo ra một nhạc khí để tấu lên khúc nhạc zen như là âm thanh thư giãn cho tinh thần và cơ thể. Và cho dù bạn có thích nhạc hay không, nó vẫn làm tâm bạn lắng đọng hơn.
         ...Sáo Shakuhachi không được coi như là một nhạc cụ nhưng chủ yếu như là một công cụ tinh thần độc quyền của môn phái Zen sáo tre. Ðây là nhạc cụ truyền thống của Nhật Bản được các thiền sư Komusou (nghĩa đen là "nhà sư hư vô") ngày xưa hay thổi các bản nhạc thiền gọi là honkyoku khi đi hành thiền.

Một nhà sư Komusou đang thổi sáo Shakuhachi ở Nagoya
         ...Âm thanh chính của nó là "tiếng thì thào của gió qua động tre" dùng để thư giãn và thiền. Sáo tre hay sáo zen là một nhạc cụ được sáng tạo một cách bất ngờ, đơn giản - nhạc cụ để thổi, nó không có nốt bấm giống như sáo tây, không giống như cây clarinet hoặc saxophone, không giây như cây guitar hay vĩ cầm, bên trong không giống như dương cầm hay organ. Ðơn giản như vậy nhưng sáo zen trong tay các bậc thầy có thể trình tấu một loạt các âm thanh từ đơn giản đến phức tạp và truyền cảm như tiếng nói của con người, dựa trên trực quan và tinh thần của người biểu diễn...  
         Thập niên 1970 nhạc thiền được truyền sang Tây Phương. Ðó là hiện tượng nhạc Newage (Thời Ðại Mới). Khi mới xuất hiện, Newage chỉ được xem như là một hiện tượng mới, chưa có nhiều ấn tượng. Người ta chỉ xem nó như là một cái gì mới trong một thế giới nhiều cái mới (jazz, rock, trào lưu hippi cũng vừa ra đời trước đó không lâu). Người nghe, người xem, thậm chí cả những nhạc sĩ tạo ra nó cũng chẳng hiểu gì về ý nghĩa của Newage cả. Đơn thuần, người ta chỉ xem nó là một loại nhạc có nhiều màu sắc, một hình thức kết hợp nhiều kiểu truyền thống khác nhau để tạo thành một cái mới.
         Sự xuất hiện của dòng nhạc thiền hiện đại xuất phát từ Newage (còn có tên gọi là nhạc suy niệm - meditation music) đã đáp ứng đầy đủ những mong ước của thính giả. Thật vậy! Nó là một thể loại nhạc dễ nghe, êm dịu, sâu lắng chinh phục được người nghe. Thính giả thì có nhiều lứa tuổi khác nhau. Ðối với giới trẻ, thì đây là loại nhạc làm cho họ cảm thấy thoải mái, dễ chịu, xoa dịu những kích động của tuổi trẻ. Với người lớn tuổi thì đây là một thế giới âm nhạc dành riêng cho họ, để họ có thể trầm tư, suy tưởng, hay có một trạng thái cảm xúc nào đó. Âm điệu thiền vị, nhạc khúc hài hòa có sức tác dụng rất lớn đối với vấn đề chuyển hóa nhân tâm. 
         Newage bắt nguồn từ sự chuyển động về tinh thần của thuyết Thần học (Theology) cuối thế kỷ 19, là đưa con người vào thế giới của tâm linh, từ chối sự phát triển của thế giới. Tuy nhiên, ý nghĩa của Newage không phải điều mà thần học nhắm tới, mà đó là sự kích thích, gợi mở những tâm hồn, những trái tim hướng về bản chất tự nhiên của con người nhằm cứu vãn một thế giới đầy rẫy bất công, chiến tranh, bệnh tật, thiên tai... Ðiều cốt yếu của Newage là phải đạt được sự thuần khiết trong tâm hồn! Nói một cách khác, nhạc meditation có tác dụng làm thư giản con người trong cuộc sống hiện tại quá bận rộn, phức tạp mà chính con người không thể thay đổi để theo kịp với lối sống đó.
         Nhạc tâm linh (inspiration music - đưa người vào thế giới tâm linh, phát triển đức tin) và nhạc trị liệu (healing music - liệu pháp tâm lý thường dùng để trị liệu, làm thư giãn, giảm căng thẳng cho bệnh nhân) cũng phát xuất từ phong trào nhạc Newage nhưng không phải là nhạc thiền.
         Nhạc meditation dùng âm thanh đưa người nghe thoát ra khỏi trạng thái hiện tại. Từ âm thanh dẫn đến những hình ảnh rộng lớn, cả đến những chi tiết nhỏ bé cũng được phô diễn. Nhạc meditation đã tạo ra một không gian thực sự bằng âm nhạc. Những giai điệu có nhịp điệu và âm thanh sống động diễn đạt những chuyển động như bay, lượn, lướt... những âm thanh ngoài trời tự nhiên như tiếng chày giã gạo mơ hồ đêm trăng, sóng vỗ rì rào ngoài biển khơi, gió thoảng vi vu, tù và xa vọng, hồi trống thu không, lá rơi nhẹ bên thềm vắng, võng đưa kẽo kẹt trưa hè yên tĩnh, ếch nhảy đơn độc khô khan trong ao thu, đêm khuya mưa rơi tí tách, nước chảy róc rách bên khe suối, chuông ngân vọng từ chùa xa...các ấn tượng âm thanh ấy trong mọi trường hợp, đưa con người thoát khỏi cái ô trược của thể xác hoặc ít nhất cũng giúp họ tách khỏi môi trường âm thanh phức tạp ồn ào thường ngày. Loại âm nhạc này đẩy mạnh một sự chuyển động tâm linh ở bên trong người nghe như nhà tâm lý học P.M.Hanel nói: "Đó là một thứ âm nhạc: một sự trầm tư, một điều kỳ diệu, một loại ma thuật để hấp thụ tinh thần, cải tạo tâm trí , thậm chí giúp người nghe tự giải mã chính mình..." Chắc chắn một điều nhạc Meditation đã thể hiện tính thiền. Giai điệu, tiết tấu đều đặn, không sôi nổi, vận hành một cách êm ái, nối tiếp nhau, không quá sâu lắng, không loạn nhịp hòa âm của Suy Niệm (Meditation), thể hiện những âm thanh ẩn trong thế giới tự nhiên như: tiếng nước chảy, tiếng chim, tiếng côn trùng, hoặc nhiều thứ được kết hợp với nhau trong một bản hòa âm chặt chẽ để phục vụ tối đa cho mục đích thiền định. Nói đó là nhạc thiền hiện đại cũng không có gì sai. Bản Zen Breakfast của nhạc sĩ Karunesh là một điển hình.
 Zen Breakfast - Karunesh

               Bây giờ, chắc hẳn những người nghe nhạc đã có câu trả lời cho câu hỏi: "Vì sao trong cuộc sống hiện đại này lại cần đến một thể loại nhạc như vậy?" Đó cũng chính là cái hay khi nó kết hợp được một không gian mờ ảo, giữa sự tồn tại giữa ánh sáng và bóng tối, người nghe có một cảm giác hoàn toàn tỉnh thức. Cho dù con người đang làm việc hay đang mệt mỏi vì cuộc sống, nhạc meditation có thể song hành cùng bạn. Nó không phải sự cảm nhận bằng tiếng gió, không phải những giọt sương đàn Harp, ấy vậy nhiễm vào đầu lúc nào cũng không hay biết. Để rồi sau cùng mang lại cảm giác phấn khích, sảng khoái và tỉnh thức. Nhạc meditation không phải là một thể loại nhạc thời trang hay thương mại. Nó chỉ dành cho những người cần những cảm xúc thật sự, suy nghĩ đúng đắn về bản chất con người và xã hội. Âm nhạc có thể làm tâm mê muội, hôn trầm nhưng cũng có thể nâng cao thiền. Nhạc thiền vì vậy có tính chất đơn giản, dịu dàng và yên bình, theo nhịp điệu nhẹ nhàng của thiên nhiên, không chát chúa, phấn khích, cuồng loạn hay hôn trầm... Khi thưởng thức một bản nhạc thiền, thính giả cảm thấy có nhiều khoảnh khắc im lặng hơn là âm thanh. Nói một cách khác nhạc thiền phải tràn ngập sự trầm lặng, thanh thản. Nó là tiếng vọng của im lặng, trong mỗi giai điệu đều bao hàm một bản hòa âm chứa đầy ý nghĩa. Nhạc thiền không có gì hơn là thể hiện những cảm nhận trực giác từ bên trong của nhạc sĩ, một con người đã trực ngộ với thiên nhiên và vũ trụ. Âm nhạc hiện diện nội tại trong con người, nghệ sĩ trình diễn là cơ hội để mở cho con người một sự khai ngộ.

Zen Garden - Kokin Gumi




Bài liên quan
                --> Chopin - phím đàn sầu rơi
               ---> Một cõi đi về - Trịnh Công Sơn
               ----> Kitaro - dòng nhạc Newage

Post a Comment

Please Select Embedded Mode To Show The Comment System.*

Previous Post Next Post