Hồi nhỏ, mình được đọc cuốn sách dịch mang tên “Máu người không phải nước lã”. Chả nhớ tên tác giả, nhưng muốn truy tìm cứ vào trang Gúc gồ chấm tiên lãng là ra ngay, tuy nhiên mình thấy không cần thiết. Cái tên sách nghe đến khiếp, nhưng đúng, máu người không phải nước lã. Ấy vậy điều tưởng chừng đúng mãi đó giờ cần phải xét lại.
Chả là vừa rồi báo chí um lên về vụ máy phát điện chạy bằng nước lã. Phát minh khoa học này do tiến sĩ (Việt kiều) Nguyễn Chánh Khê và cộng sự nghiên cứu, thực hiện. Nhiều tờ báo (cứ cái kiểu ba chớp ba nhoáng) mau mắn đưa tin, thậm chí dẫn nhời tiến sĩ Khê rằng sắp đưa máy vào sản xuất đại trà, giá thành điện cực rẻ, chỉ mất khoảng 200 đồng tiền chất xúc tác cho mỗi ki lô oát. Chụp ảnh hẳn hoi, 3 chiếc bình thủy tinh đựng nước đang sôi sùng sục, chiếc bóng đèn sáng bừng xua tan màn đêm tăm tối mông muội. Gớm, các nhà khoa học cứ nháo nhào cả lên, đủ ý kiến bàn ra tán vào; kẻ khẳng định, người hồ nghi; kẻ xem đây là đột phá khoa học thời đại, người coi là sự không tưởng đáng ngờ… Có hẳn một vị tiến sĩ Giáp Văn Dương đang dạy đại học ở Singapore làm ngay bài to phân tích những bất cập vô lý của công trình này, tất nhiên dưới góc độ khoa học. Có hẳn một hội thảo do giáo sư viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu chủ trì, tổ chức tại Sài Gòn cho mọi người mục sở thị máy siêu điện, sau đó phát biểu thoái mái. Đáng chú ý nhất là bác giáo sư Việt kiều Bỉ Nguyễn Đăng Hưng bảo rằng không dám phủ nhận nghiên cứu của tiến sĩ Khê nhưng khoa học cần phải minh bạch, đừng úp mở làm gì. Cái gì thuộc về bí mật công nghệ thì hãy giấu, còn cái gì là bản chất khoa học hãy trung thực, cởi toang ra.
Tiến sĩ Khê (áo tím, thứ hai từ trái sang) đang giới thiệu với các nhà khoa học "công trình động trời". (Ảnh của báo Sài Gòn tiếp thị)
Mình từ bé đến giờ luôn kiên định lập trường và bản chất dốt toán lý hóa nên nghe chuyện này cứ ù ù cạc cạc. Nửa tin nửa ngờ. Nửa muốn đó là sự thực, nửa hồ nghi đây là tiểu phẩm hài. Giá mà mình giỏi như giáo sư Ngô Bảo Châu, mình sẽ ngôn cho một phát có phải tận dụng được thời cơ marketing PR bản thân không nào. Thôi thì mình dốt, mình chỉ rụt rè, như con ếch ngồi đáy giếng, uồm uộp oa oa mấy tiếng thế này:
-Các nhà khoa học thuần túy (như tiến sĩ Dương chẳng hạn) cứ việc phân tích đánh giá, nhưng đừng vội cho rằng sự nghiên cứu của tiến sĩ Khê là phi khoa học. Có những cái ta cứ tưởng nhất thành bất biến, đã cố định lô cốt rồi, nhưng thực ra không phải thế. Khoa học là phát triển không ngừng. Xưa nay chưa làm được nhưng ngày mai làm được, chả có gì lạ.
-Tiến sĩ Nguyễn Chánh Khê và cộng sự khi thấy nghiên cứu của mình đã chắc chắn, có thể công bố rộng rãi thì hãy công bố, đừng úp úp mở mở, xem chừng không được đàng hoàng, minh bạch (chữ dùng của GS Hưng) lắm. Ngày xưa nhà phát minh Thomas Edison mỗi lần công bố phát minh là mỗi lần đổi thay thế giới, có cần úp mở gì đâu.
-Phải nói sòng phẳng, nếu công trình của nhóm tiến sĩ Khê là có thực và thành công thì chả khác gì công cuộc xóa đói giảm nghèo vĩ đại, cực kỳ vĩ đại đã thành công trên toàn thế giới. Một trăm giải Nobel cũng chả ăn nhằm với nó. Thế mà trong khi xứ ta ồn ào thì thế giới vẫn dửng dưng trước một phát minh có mệnh hệ toàn cầu. Xem ra không ổn rồi. Hay là họ ghét VN, muốn dìm hàng cho bõ tức?
-Dầu khí mới hiếm chứ nước lã thì vô thiên lủng. Hiện nay nguồn điện phụ thuộc rất nhiều vào dầu khí. Máy phát điện chạy bằng nước lã có khác gì chơi cha bọn đại gia dầu mỏ Trung Đông. Thế mà cứ khơi khơi, giống như chế tạo ra mấy cái xe tham gia chương trình Robocon của sinh viên. Một yếu nhân, tác giả chính của công trình, như tiến sĩ Khê, ai muốn gặp cũng được, ai muốn mời cũng được, phóng viên nhà báo cứ nhao nhao bám xung quanh, thật tình nguy lắm. Nước ngoài mà có một người như thế này, họ lại không bỏ vào mấy lớp két sắt mà bảo vệ cho chắc, đâu lơi lỏng khơi khơi như ta. Hãy bảo trọng, tiến sĩ Khê nhé, “hiền tài là nguyên khí quốc gia” đó.
-Máy của tiến sĩ Khê nếu đúng như báo chí ca ngợi thì, hỡi các công dân, chúng mi hãy bắt đầu trữ nước đi là vừa. Đào hầm, xây bể, khoan giếng, hứng nước mưa, dùng tất cả các loại thùng xô chậu, chum vại, túi nilon… trữ nước. Bây giờ nó là nước lã nhưng mai sau nó thành nhiên liệu đấy, lúc ấy thì bán từng chén hạt mít cũng đắt hàng.
Ai dám bảo nước lã nhạt, ít giá trị nào. Biết đâu có ngày người ta nói ngược lại “nước lã không phải máu người”.
Tags
Tin tức xã hội