Thiếu thầy, thiếu cả người nghe ca trù

TT - Những hàng ghế vắng người, những lời than lớp ca nương trẻ hát sai nhiều quá khiến sân khấu lộng lẫy của Liên hoan ca trù toàn quốc 2011 (diễn ra từ ngày 13 đến 16-10 tại Viện Âm nhạc, Mỹ Đình, Hà Nội) trở nên lạc lõng.



Ca nương nhí Thu Hà (9 tuổi) đoạt giải triển vọng tại Liên hoan ca trù toàn quốc 2011 - Ảnh: Hà Hương
Nghe ca trù tại liên hoan cho người ta cảm giác: sau ba năm trở thành di sản, dường như ca trù vẫn giẫm chân tại chỗ trong nỗ lực tìm lại hào quang của chính mình.


“Chất lượng so với liên hoan mấy năm về trước cũng chẳng có gì thay đổi. Có người chất giọng tốt đấy nhưng hát không ra khuôn khổ của ca trù. Khuôn khổ không phải cái tự nhiên mà có, phải học, phải mài giũa mới nên. Âu cũng chỉ là đi thi để... rút kinh nghiệm thôi”, nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Chúc thở dài nói vậy. Nỗi niềm của người nghệ nhân ca trù già cứ đeo đẳng theo bà suốt những ngày liên hoan. Bà bảo nghề này quý lắm, phải giữ lại cho con cháu nhưng “nhìn bọn trẻ hát ca trù lại lo”. “Người ta còn mải bươn chải kiếm tiền đâu có nhiều thời gian cho ca trù, thành ra cứ gọi là ca nương chứ chỉ biết mấy bài đơn giản, thầy thợ thì chẳng có, chỉ học trên băng đĩa thôi”.


Nỗi lo của bà Chúc cũng dễ nhìn thấy khi hàng loạt ca nương kép đàn tham gia liên hoan đều “nhảy” từ quan họ hay chèo sang. Một ca nương sau buổi thi tất tả thay quần áo chạy xe máy từ Hà Nội xuống tận Hải Dương vì lý do “đã nhận lời ở một buổi biểu diễn chèo, vì mình là diễn viên chèo trong đoàn nghệ thuật của tỉnh”. Thành ra trên sân khấu ca trù thi thoảng lại xuất hiện những vạt áo mớ ba mớ bảy, tóc vấn cao và ca nương thì hát ca trù mà người nghe cứ thấy na ná như... chèo.


Cần mẫn hơn rất nhiều người khác, ba ngày liên hoan, bất kể chiều tối, nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ vẫn có mặt dưới hàng ghế khán giả. Nghe nhiều là thế nhưng khi được hỏi, người nghệ nhân già cũng cười buồn: “Bây giờ đi hát, không gian đẹp thế này, quần áo đẹp đẽ thế này, đáng ra phải hát hay hơn mới đúng, đằng này lại dở quá”.


Cái khó của ca trù theo trần tình của những người trong cuộc là thiếu thầy truyền dạy. Nếu như hơn 20 năm trước, thuở ca nương Bạch Vân bắt đầu theo ca trù, vẫn có thể tìm đến nhà nghệ nhân Quách Thị Hồ, NSƯT Kim Đức, nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc... xin học thì bây giờ rất khó tìm thầy truyền dạy trực tiếp. Chính nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc cũng thừa nhận: cái khó nhất của ca trù là người dạy.



Ngày xưa chỉ học ca trù theo lối chân truyền, nhưng bây giờ còn mấy nghệ nhân để mà truyền dạy? Ca nương Trần Thị Cảnh (CLB ca trù Cổ Đạm, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cho biết: “Các nghệ nhân phần lớn tuổi đã ngoài 80, sức khỏe yếu nên thời gian dạy trực tiếp cho ca nương trẻ cũng rất ít. Chúng tôi phải bổ sung các buổi học do ca nương lớp trước hướng dẫn, học qua băng đĩa và các ghi chép của các cụ”.


Một nghệ nhân ca trù ở Hà Nội than rằng tìm thầy dạy đã khó, tìm người nghe còn khó hơn. “Một canh hát ca trù quanh đi quẩn lại chỉ một vài người quen và một số khách Tây đến vì tò mò”, nghệ nhân này nói. Xem qua liên hoan ca trù toàn quốc cũng đủ thấy ca trù dường như vẫn là chuyện “trong nhà hát cho nhau nghe”.


Để duy trì sự sống cho ca trù, theo GS Tô Ngọc Thanh - chủ tịch Hội Văn hóa văn nghệ dân gian VN, chúng ta cần phải có một quỹ đào tạo riêng và muốn có người nghe ca trù thì trước hết phải làm cho họ hiểu ca trù thế nào. “Chúng tôi đang đề xuất Đài truyền hình VN nên dành một thời lượng nhất định để các nhà nghiên cứu có thể nói về nhịp phách, về cách “đổ hột” của đào nương”, ông nói.


HÀ HƯƠNG

56 giải thưởng cho... 23 đoàn
Trong đêm bế mạc Liên hoan ca trù toàn quốc 2011 tối 16-10 tại Hà Nội, “kho” giải gồm 56 giải thưởng lớn bé đã được trao cho 23 đoàn tham dự, gồm năm giải hát cửa đình, ba giải hát cửa quyền, bốn giải hát thi, sáu giải hát chơi, hai giải hát tổ nghề, tám giải cho đơn vị có tiết mục tiêu biểu, bốn giải giọng hát hay, hai giải đàn giỏi, giải triển vọng, giải cho ca nương già nhất...
Trong rất nhiều tranh cãi về kết quả liên hoan, một trường hợp giành được sự đồng thuận của người nghe, người chấm và người hát ca trù là ca nương nhí Nguyễn Thị Thu Hà (9 tuổi) ở CLB ca trù Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) với giọng hát bẩm sinh, lối hát khuôn khổ đã giành giải triển vọng.


H.HƯƠNG
(Theo Tuổi Trẻ)

Post a Comment

Please Select Embedded Mode To Show The Comment System.*

Previous Post Next Post