Ảnh hưởng của âm nhạc đối với tôn giáo rất quan trọng.
FRAZER
FRAZER
Trải qua các thời đại, các triết gia, thần học gia và khoa học gia đều ý thức được sự quan trọng của âm thanh. Kinh Phệ Đà – một thánh kinh được xem như là cổ nhứt – viết rằng Vũ trụ được tạo lập do sự phối hợp của âm thanh. Sau đó, thánh Jean (thánh Gioan) cũng nói trong kinh sách Phúc Âm : “Huyền Âm xuất hiện trước nhứt và Huyền Âm ở với Thượng Đế, Huyền Âm là Thượng Đế”.
Người ta đã chứng minh được rằng âm thanh có tánh cách kiến tạo và cũng có tánh cách hủy hoại. Nếu người ta kéo cung vĩ cầm trên một cái chậu thủy tinh đựng cát, cát sẽ được sắp thành những hình kỷ hà. Trái lại, tiếng con người có thể làm bể một cái ly.
Cũng nhờ âm thanh mà sinh vật thông cảm được với nhau. Quyền năng nầy rất đơn giản ở cầm thú và lần lần trở nên phức tạp với ngôn ngữ con người. Từ ngôn ngữ đến những tiếng hát thô sơ, chỉ có một bước và cái bước nầy tạo thành âm nhạc.
Nếu âm thanh tự nó quan trọng như vậy, quyền năng của chúng sẽ như thế nào nếu người ta làm cho chúng trở nên êm dịu và kết họp chúng thành âm nhạc ? Platon trả lời như sau : “Học âm nhạc là một phương tiện trau mình hữu hiệu nhứt bởi vì tiết điệu và điều hòa đều có trung tâm của chúng ở mọi linh hồn. Nhờ nó, linh hồn sẽ trở nên phong phú, kiều diễm và sáng suốt, nhứt là đối với những ai đã am hiểu âm nhạc”.
Platon còn quả quyết hơn trong quyển Nền dân chủ. Ông nói : “Không nên bày một lối âm nhạc mới nữa vì lối nầy có thể đưa trọn cả quốc gia đến chỗ suy đồi. Người ta không thể nào thay đổi phong thể của âm nhạc mà không động đến các cơ cấu chánh trị quan trọng”.
Không phải chỉ có Platon mới hiểu âm nhạc như thế. Ông Aristote cũng đồng quan niệm ấy khi viết : “Tiết điệu và điều hòa tạo đủ thứ cảm giác. Nhờ nó, con người tập thu nhận những tình cảm công bằng và trao dồi đức hạnh. Người ta có thể phân âm nhạc thành nhiều loại tùy ảnh hưởng của nó đối với tánh tình. Loại nầy gây sự âu sầu, sự hèn yếu, loại khác đưa đến sự buông trôi hay sự tự chủ, loại khác nữa tạo sự phấn khởi v.v…”
Đó là ý kiến của các triết gia xưa. Tuy lời lẽ của họ rất thành thật nhiều người trong thời đại của chúng ta không tin như vậy. Đa số nhạc sĩ, văn sĩ v.v… không hiểu rằng các loại âm nhạc cao quí hiện nay không những tạo hứng thú cho con người mà còn có một quyền năng sâu rộng. Những ai hâm mộ âm nhạc và đã nghe nhạc của Haendal, Beethoven, Chopin và Wagner đều nhận thấy mỗi người có một lối riêng nhưng không ai nghĩ rằng các nhạc sư ấy đã gây nhiều ảnh hưởng đối với tánh tình và phong hóa thời đại.
Theo chúng tôi, mỗi loại âm nhạc đều ảnh hưởng nhiều đến lịch sử, luân lý và văn hóa, và nó hàm súc một quyền lực còn mạnh hơn tín ngưỡng, giáo điều, triết lý. Chúng tôi cũng nghĩ rằng tuy các kỷ luật đều có đặc tánh riêng nhưng không kỷ luật nào không lệ thuộc âm nhạc.
Ai ai cũng biết chính nhờ sự ám thị mà âm nhạc tạo ảnh hưởng đối với trí não và tình cảm của con người. Theo lời xác nhận của Aristote, khi nghe nhạc buồn lâu ngày chúng ta sẽ trở nên u sầu, và chúng ta thấy lòng phấn khởi khi thường nghe nhạc vui. Thế là lòng ta phản ảnh một cách vô thức loại tình cảm của bản nhạc. Hơn nữa, các sự sưu tầm của chúng tôi còn chỉ rằng, ngoài sự phản ảnh ấy, tinh hoa của âm nhạc còn ảnh hưởng sâu rộng đến lối xử thế của chúng ta.
Các sự nghiên cứu thuộc tâm lý học chỉ rằng khi một công thức liên hệ đến một đức tánh được lập lại thường, nó sẽ đào tạo cho con người đức tánh ấy. Chúng ta còn nên lưu ý rằng lòng người càng an tĩnh thì sự ám thị càng kiến hiệu, vì trong trạng thái an tĩnh, trí não không có khuynh hướng kháng cự. Hơn nữa âm nhạc là một công thức không diễn tả bằng lời nên khuynh hướng nầy không có, đó là một ưu điểm của nó.
Âm nhạc là một công thức tế nhị và kín đáo nên người nghe không nhận thấy được tác động của nó đối với tâm hồn mình. Thính giả chỉ biết khi nghe một bản nhạc thuộc một loại nào thì mình có một loại cảm xúc tương ứng. Thực sự, khi gợi một loại cảm xúc và lập lại thường cảm xúc đó, âm nhạc lưu ở lòng người một ấn tượng có công năng đào tạo tánh tình. Aristote ý thức được điều nầy khi ông nói rằng con người sẽ thu thập những tình cảm công bằng nhờ âm nhạc.
Chúng tôi không muốn nói rằng âm nhạc chỉ ảnh hưởng đến tình cảm mà thôi. Trái lại, có nhiều loại âm nhạc tác động lên trí não như nhạc của Bach chẳng hạn.
Đến đây một vài câu hỏi được đặt ra. Âm nhạc có được phổ biến đến mức có thể ảnh hưởng tới nhơn loại không, nhứt là ở thời xưa ? Làm sao âm nhạc có thể tác động trên tư tưởng tập thể nếu nó không được lan truyền sâu rộng ? Phải chăng có một số người rất lớn không bao giờ nghe được âm nhạc nghiêm trang ? Các câu hỏi nầy rất hợp lý và cũng dễ trả lời. Lịch sử đã chứng tỏ rằng các tư tưởng gia, các nhà lãnh đạo tôn giáo hay quần chúng đều có những dịp thưởng thức âm nhạc. Các vua chúa đều có nhạc sĩ triều đình, hạng lãnh chúa và các bậc công hầu thời phong kiến có những anh hùng ca, còn dân chúng luôn luôn có âm nhạc địa phương của họ. Như vậy, người ta có thể nói từ xưa, âm nhạc vẫn giữ một vai trò quan trọng ngay ở các nước kém văn mình.
Một điều đáng lưu ý là âm nhạc càng biến chuyển nhiều thì sự tôn kính các cổ tục càng suy giảm. Trái lại, khi âm nhạc bị hạn cuộc trong một ít loại thì dân chúng rất thủ cựu, đó là trường hợp xứ Trung Hoa.
Có người nghĩ rằng âm nhạc là sản phẩm hay là biểu hiệu của văn hóa, của nhơn tâm. Sự thật thì trái hẳn. Lịch sử đã chứng minh rằng mỗi lần âm nhạc được cải cách thì luôn luôn chánh trị và phong hóa biến chuyển theo. Ở Ai Cập và Hy Lạp khi âm nhạc suy đồi thì nền văn minh của hai xứ ấy bắt đầu tàn tạ.
Ảnh hưởng của âm nhạc có thể tóm tắt như sau :
1.- Âm nhạc tác động mạnh trên tình cảm và trí óc của nhơn loại.
2.- Nhơn loại nhận sự truyền cảm ấy một cách vô thức.
3.- Âm nhạc cảm nhiễm lòng người bằng cách ám ảnh và sự lập lại.
Cyril Scott
Nguyên An dịch
(Trích Ánh Đạo số 19 năm 1971)
Tags
âm nhạc với cuộc sống
hoc dan
học đàn
học guitar
học hát
học nhạc
hoc piano
học piano
lop hoc nhac